Uống nước kiềm có trị được bệnh ung thư không?

Thứ ba - 15/10/2024 00:34
Rất nhiều đơn vị truyền thông rằng uống nước kiềm có thể chữa bách bệnh, nước kiềm có thể chữa bệnh ung thư. Vậy có cơ sở khoa học nào chứng minh uống nước kiềm trị bệnh ung thư? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Uống nước kiềm có trị được bệnh ung thư không?
1. Nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày, bệnh ung thư được không?

Vài năm gần đây, nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư 50-200 triệu đồng để mua máy tạo nước ion kiềm với suy nghĩ loại nước này có thể "chữa bách bệnh", nước kiềm có thể chữa ung thư,...

TS. Lê Đức Dũng (Chuyên gia khoa học sức khỏe tại CHLB Đức) cho biết: Nước kiềm là loại nước có độ pH cao hơn nước uống thông thường. Nếu như nước uống thông thường độ pH bằng 7 thì nước kiềm có độ pH là từ 7,5 - 9,5.

Thang đo pH là đo độ axit hoặc độ kiềm của một chất và độ pH bằng 7 là trung tính. Trong khi các pH dưới 7 thì có tính axit và pH trên 7 có nghĩa là có tính kiềm.

TS. Lê Đức Dũng giải thích rằng nước kiềm có thể được tạo ra bằng cách thêm các khoáng chất kiềm như canxi, magiê, kali vào nước, hoặc dùng máy ion hóa để tách nước thành các thành phần có tính axit và kiềm. 

Trả lời về vấn đề nước kiềm có thể dùng để trị bệnh dạ dày, bệnh ung thư được hay không, TS. Lê Đức Dũng nói rằng: "Nước kiềm được một số người tin rằng có lợi cho sức khỏe do tính chất kiềm của nó, có thể giúp trung hòa axit dư thừa trong cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít kết quả khoa học nghiên cứu về lợi ích và tác hại của việc uống nước kiềm.

Chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào đủ lớn và tin cậy để chỉ ra rằng uống nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày và ung thư.

Để khẳng định được các tác dụng trên thì cần có những nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng. Các nghiên cứu được đăng ký và kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí khoa học".

Vì vậy có thể kết luận rằng, chưa có đầy đủ cơ sở và bằng chứng để chứng minh việc uống nước kiềm có thể chữa ung thư.

 
6kpmq5t3 min



2. Lưu ý khi các gia đình sử dụng nước kiềm

TS Lê Đức Dũng cũng phân tích thêm, mọi bộ phận trong cơ thể đều đã có độ pH sinh lý nhất định, một khi độ pH đó thay đổi thì cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ví dụ ở dạ dày: Dạ dày chúng ta có độ pH rất thấp (độ pH dạ dày từ 1-4 tùy thời điểm). 

Một khi độ kiềm của dịch dạ dày tăng lên, các tế bào có chức năng tiết axit trong dạ dày sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để sản xuất axit, nhằm điều chỉnh độ pH trong dạ dày thấp xuống về mức sinh lý. 

Tương tự thì các cơ quan khác cũng phải tự điều chỉnh độ pH khi nó bị thay đổi do tác động ngoại cảnh (ví dụ như uống nước kiềm). Khi đó các tế bào sẽ phải làm việc quá mức để điều chỉnh độ pH, như vậy chắc chắn sẽ không tốt cho cơ thể. 

Bên cạnh đó, khi chúng ta thay đổi độ pH sinh lý, mà cụ thể ở đây là tăng độ kiềm thì cũng có thể sinh ra các nguy cơ khác như:

- Mất cân bằng điện giải: Uống quá nhiều nước kiềm có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, có thể gây ra chuột rút cơ, suy nhược và thậm chí co giật.

- Nhiễm kiềm: Tiêu thụ quá nhiều nước kiềm có thể dẫn đến nhiễm kiềm, đây là tình trạng mức độ pH của cơ thể trở nên quá kiềm. Điều này có thể gây buồn nôn, lú lẫn và thậm chí hôn mê.

Do đó, TS Lê Đức Dũng khuyên rằng các gia đình không nên thần thánh hóa tác dụng của nước kiềm mà lạm dụng chúng. 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây